Bệnh tăng huyết áp nếu không được theo dõi, điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát và ổn định chỉ số huyết áp với các biện pháp đơn giản tại nhà. Tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Huyết áp (HA) là áp lực máu lên thành động mạch, được tạo ra do sự co bóp của tim và sức cản của động mạch và đo lường bằng mmHg. Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp xảy ra khi áp lực máy lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường.
Khi bạn đo huyết áp, có hai trị số huyết áp, ví dụ: 117/78 mmHg (milimet thuỷ ngân). Số ở trên hay số lớn hơn gọi là huyết áp tâm thu, số ở dưới hay nhỏ hơn gọi là huyết áp tâm trương. Các số đo huyết áp được chia làm các mức:
- Huyết áp bình thường: Dưới 120 - 80 mmHg.
- Tiền huyết áp cao: Huyết áp tâm thu 120 - 139 mmHg hay huyết áp tâm trương 80 - 89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 - 159 mmHg hay huyết áp tâm trương 90 - 99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu cao trên 160 mmHg hay huyết áp tâm trương cao hơn 100 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110mmHg trở lên.
Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi mức huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140 mmHg, chỉ số huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên (đo tại phòng khám). Nếu theo dõi tại nhà thì mức huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 135 mmHg, chỉ số huyết áp tâm trương từ 85 mmHg trở lên.
Máy đo huyết áp điện tử có 2 loại gồm máy đo huyết áp cổ tay và máy đo huyết áp điện tử băng quấn bắp tay.
- Tránh ăn uống, không hút thuốc và không tập thể dục ít nhất là 30 phút trước khi đo huyết áp;
- Bệnh nhân cần ngồi thư giãn 10 - 15 phút trước khi đo huyết áp. Tránh đo huyết áp khi đang trong trạng thái căng thẳng;
- Nhiệt độ phòng không quá nóng hoặc quá lạnh.
Bệnh nhân cần ngồi thư giãn 10-15 phút trước khi đo huyết áp, tránh trạng thái căng thẳng
- Khi đo lần đầu cần đo cả hai tay, sau đó chọn cánh tay với huyết áp có khuynh hướng cao hơn;
- Ngồi thẳng lưng trên ghế, khoảng cách từ ghế tới mặt bàn khoảng 25-30cm;
- Cởi áo khoác ngoài ra, nên quấn vòng bít vào sát da tay. Không quấn vòng b lên lớp áo dầy và không xắn tay áo quá chật;
- Trong quá trình đo không cử động người và nói chuyện;
- Có thể đo huyết áp ở bắp tay hay cổ tay tùy vào từng loại máy đo huyết áp miễn là điểm cảm ứng trong băng quấn tay phải nằm ngang mực tim. Nếu đo ở bắp tay có thể đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn với điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay khoảng 2cm. Nếu đo ở cổ tay thường phải gập cánh tay một góc khoảng 45 độ để cổ tay ngang với trái tim;
- Nên đo huyết áp mỗi ngày vào cùng một thời điểm trong ngày với cùng một máy đo huyết áp (Sau khi ngủ dậy 1 tiếng), ghi lại các kết quả và hỏi bác sĩ để biết về tình trạng huyết áp của mình. Kết quả đo một lần không phản ánh tình trạng huyết áp thực của bạn.
- Phải ghi cả hai trị số thu tâm (số lớn) và trương tâm (số nhỏ) và nhịp tim;
- Trị số huyết áp không cố định, thay đổi theo nhịp sinh học, trọng lượng, nếp sinh hoạt,…Do đó, không nên mất bình tĩnh nếu thấy huyết áp trong ngày dao động ít nhiều.
- Đối với người bệnh tăng huyết áp, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên đo huyết áp hàng ngày và ghi nhận kết quả để theo dõi chỉ số huyết áp an toàn tại nhà.
Để giữ cho huyết áp ở mức ổn định cần kết hợp phương pháp điều trị của bác sĩ và một số biện pháp hỗ trợ để kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Đồng thời, thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa và kiểm soát huyết áp hiệu quả.
♦ Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Giảm muối, hạn chế mỡ động vật thay bằng dầu thực vật, bổ sung nhiều rau xanh;
♦ Vận động cơ thể, tập thể dục thường xuyên: Duy trì luyện tập 30 phút mỗi ngày để nâng cao thể lực. Tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người để điều chỉnh thời gian luyện tập cho phù hợp;
♦ Không hút thuốc lá, uống rượu bia: Thuốc lá, rượu, bia gây hại rất lớn đối với sức khỏe, vì vậy ngừng sử dụng các chất này sẽ giúp bạn kiểm soát chỉ số huyết áp, phòng ngừa bệnh tốt;
♦ Giữ trọng lượng cơ thể cân đối: Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau, kể cả bệnh tăng huyết áp. Việc duy trì cân nặng ổn định tốt cho sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh;
♦ Duy trì lối sống lành mạnh: Chế độ học tập, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc để giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh giúp kiểm soát tình trạng tăng huyết áp hiệu quả.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa và kiểm soát bệnh tăng huyết áp
Người bệnh cần cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể bao gồm protein từ thị nạc, chất xơ, vitamin và khoáng chất trong rau (ưu tiên các loại rau có màu xanh đậm), củ quả và trái cây, sữa ít béo, ngũ cốc và cây thuộc họ đậu.
Một số loại thực phẩm nên tránh nếu bị tăng huyết áp như muối, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngâm, thịt đỏ, nội tạng động vật và rượu, bia hay chất kích thích.
Bệnh tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên theo dõi sức khỏe và đo chỉ số huyết áp thường xuyên, duy trì chỉ số huyết áp ổn định giúp các bệnh nhân tăng huyết áp kiểm soát bệnh, các biến chứng của bệnh gây ra và sống khỏe mỗi ngày.
©2018-2022 Công ty TNHH dược phẩm quốc tế An Đức 0109949188 cấp ngày 23/05/2018 tại Chi cục thuế Quận Hoàng Mai
Số 64 ngõ 885 đường Tam Trinh, Phường Yên Sở, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Số điện thoại: 0962293192 - Email: Anducpharma88@gmail.com.